Vietnam Single Tim Ban Bon Phuong  


HOME  -  FORUM  -  REGISTER  -  MY ACCOUNT  -  NEW  PHOTOS  -  BROWSE  -  SEARCH  -  POEM  -  ECARD  -  FAQ  -  NCTT  -  CONTACT

Sponsored links


Diễn Đàn
 Những chủ đề mới nhất
 Những góp ý mới nhất
 Những chủ đề chưa góp ý

 
NCTT Những chủ đề mới nhất

NCTT Những góp ý mới nhất
NCTT Website


Who is Online
 

 

Forum > Truyện ngắn >> LÃO QUÈ

 Bấm vào đây để góp ý kiến

1

 phovang11
 member

 ID 75194
 04/05/2013



LÃO QUÈ
profile - trang ca nhan  posts - bai da dang  email -goi thu   Thong bao bai viet spam den webmaster  edit -sua doi, thay doi edit -sua doi, thay doi  post reply - goy y kien


 photo 67_zps103425af.jpg

LÃO QUÈ

Lão Què vo tròn miếng thuốc lào thành viên bi nhỏ rồi nhét vào nỏ điếu cày. Lão châm đóm, rít một hơi dài sảng khoái rồi nhả khói mù mịt, những cụm khói theo gió nhẹ bay lên trời trong ánh đèn đêm vàng nhạt. Lão nâng chén trà Thái Nguyên lên và làm một ngụm nhỏ. Trà ngon thật ! Lão thấy tỉnh táo ra và bắt đầu câu chuyện ...

Không ai biết rõ gốc tích Lão Què ra sao cả, chỉ thấy lão đóng đô ở cái sân ga Hoà Hưng này không biết từ bao giờ. Cứ mỗi buổi sáng, lão Què lại lấy vé số đi bán. Không biết có phải nhờ mồm miệng lão dẻo hay là lão có duyên với nghề mà lão bán khá lắm, ngày nào cũng hết vèo trăm tờ vé số.

Tối về, sau khi ngồi xề xuống gánh cơm của cô bé An- lão thường gọi cô hàng cơm là vậy- dù là cô bé nầy cũng hơn hai mươi rồi. Lão chỉ độc ăn món thịt kho tàu hũ, hột vịt. Cô bé khỏi cần hỏi, thấy lão ngồi xuống là làm ngay một dĩa cơm thịt kho tàu hũ, hột vịt thêm ít dưa giá bên trên là xong.

No đủ rồi lão lại vòng vào cái mái che ở giữa trời của sân ga, là mái nhà của lão từ mấy năm nay. Không hiểu người ta làm cái mái che nầy để làm gì không biết, bây giờ chỉ thấy nó cũng có ích lắm, một chị hàng chè (trà) đóng đô ở đó (không phải ai cũng vào đây bán được) và là nơi tụ tập của những anh xích lô, bốc xếp, chạy hàng...nói chung là của những người sống bám vào cái nhà ga xe lửa Hòa Hưng nầy.

Cái sân ga nầy thấy vậy mà đã chứng kiến khá nhiều chuyện, vui cũng có mà bi hài cũng có. Từ chuyện anh Nam xích lô léng phéng với em đi hàng Nha Trang nào đấy mà phải ôm quần áo ra gia nhập xin làm cư dân mái vòm. Đến chuyện thằng Hùng bốc xếp và con Nở híp yêu nhau, tối lại con nhỏ trốn nhà ra mướn chiếu ngủ với người yêu . Giữa bao nhiêu người nằm ngủ thế mà không hiểu sao con bé lại có bầu được, cũng tài tình thật !
Có một đêm, mọi người đang ngồi nghe chuyện Kim Dung của lão Què thì nghe tiếng la của bà Tám, bà từ trong nhà ga chính bước nhanh ra vừa la " Ăn trộm, bắt ăn trộm". Mọi người nhìn thì không thấy ăn trộm đâu cả, chỉ có một người thanh niên ăn mặc đàng hoàng, quần tây áo trắng tém thùng đang dẫn một chiếc xe đạp phía trước.

- Ăn trộm đâu ?

- Đó, đó, dắt xe đạp phía trước đó .

Mọi người chợt hiểu, mấy anh xích lô và bốc xếp xông tới. Anh thanh niên vội quăng xe bỏ chạy, nhưng chạy đâu cho khỏi. Bị bắt vào, khám xét giấy tờ trong người thì ra anh ta là một giáo viên vì nợ nần túng quá nên làm liều, không phải nghề nên mới ra quân đã bị bắt.

Hay chuyện dài nhiều tập của con Oánh "càng" - mỗi khi nói cong hai tay lên như hai cái càng cua. Con nhỏ coi cũng được gái, lúc đầu bán thuốc lá rong, bị một thằng đi hàng lừa cả tình lẫn tiền, vòng vàng gì cũng theo chiếc tàu Thống Nhất ra miền Bắc mất tung tích. Con nhỏ đâm ra hận đời rồi làm gái luôn. Có những đêm, con nhỏ vừa la vừa đuổi theo một thằng chạy phía trước từ trong đầu trong sân ga, nơi mà những ánh đèn yếu ớt không chiếu tới.

- ĐM mầy, chơi chạy hả, bắt bắt nó lại, ăn cướp.

Mọi người đang nằm ngủ, nghe la thì chồm dậy, thấy con Oánh" càng" còn chưa kịp mặc áo đang gí theo một người chạy phía trước.

Ấy, đại loại sinh hoạt của cái sân ga nầy vào những năm tháng nầy như vậy đấy .
Sáng trưa chiều tối, cả suốt đêm luôn, lúc nào cái hàng trà của chị Tư cũng có khách. Khi thì vài khách đi tàu, lúc thì mấy anh bốc xếp hàng, xích lô.... Mà hàng của chị có gì đâu, chỉ ít phong bánh đậu xanh, kẹo đậu phộng... thuốc lá, thuốc lào và chè Thái Nguyên. Ấy, thế nhưng đừng giỡn chơi mà tưởng là chị bán như thế thì lời lóm gì bao nhiêu. Lầm to đấy nhé! Mỗi tháng, chị sắm hai chỉ vàng ngon ơ, mà vàng lúc nầy không dễ kiếm đâu, kiếm ăn còn khó đừng nói chuyện sắm vàng.

Lão Què là dân cắm dùi nơi đây từ thủơ "khai thiên lập địa" cái mái che nầy nên mặc nhiên được chị Tư xem như người nhà. Lão hút thuốc lào và uống nước trà miễn phí, ngược lại khi cần chạy đâu đó, thì lão lại trông hàng hộ chị Tư. Mà cũng nhờ có lão nên hàng chị Tư vào buổi tối lúc nào cũng rôm rả khách. Người ta thích ghé lại làm điếu thuốc lào, tớp ngụm trà để ngồi nghe lão kể chuyện. Lão biết đủ thứ chuyện trên đời, Đông Tây Kim Cổ, từ chuyện Công Tử Bạc Liêu đốt tiền làm đèn soi cho đến chuyện Nã Phá Luân yêu Josephine ra sao, lão biết tuốt. Đã thế, lão lại thích kể và lại kể hay, có duyên lôi cuốn người nghe.


Hôm nay lão kể chuyện " Bản du ca cuối cùng của loài người không còn đất sống". Phải nói là phục cái trí nhớ của lão Què, cái chân lão què, nhưng cái bộ não của lão không què chút nào so với cái tuổi sáu mươi của lão. Mọi người im lặng ngồi nghe truyện, thỉnh thoảng chỉ có âm thanh ríu rít của tiếng điếu cày như thay thế cho tiếng đàn violon réo rắt trong câu chuyện. Ai nấy ngồi nghe, thấy xót xa cho thân phận của những người Do Thái không đất nước, họ sinh ra như tội đồ vì đã mang giòng máu Do Thái trong người. Ôi ! thân phận con người! Rồi bất chợt có người thốt lên "mình còn chỗ nào để sống không nhỉ ?". Lão Què cũng ngưng kể, lão kéo một bi thuốc cho thân phận lão bay bay theo khói thuốc vào màn đêm.

***

Lão Què bỗng dưng biến mất không còn dấu vết. Đã mấy hôm rồi không ai thấy lão ở đâu nữa.
Vào buổi tối, quanh điếu cày dưới mái che, mọi người bàn tán về cái sự mất tích đột nhiên của lão Què.

- Hay là lão bị xe đụng ?

- Ối, xe nào mà đụng được lão chứ.

- Hay đi theo mẹ nào rồi ?

- Tướng lão cà thọt thế thì ma nào thèm.

- Biết đâu được, mồm mép lão bù lại chứ .

Mỗi người bàn mỗi kiểu, rốt cuộc cũng không ai biết lão đang ở đâu và việc gì đã xảy ra cho lão. Cũng chẳng ai thấy lão có bà con xa gần gì cả để mà hỏi thăm, lão Què đúng là "Tứ cố vô thân".

Mấy đêm đầu, ai cũng nhắc tới lão, ai cũng mong cho lão xuất hiện trở lại. Mà không có lão, cái bến đỗ nầy buồn thật, như một con tàu thiếu thuyền trưởng giữa biển khơi. Mọi người ngồi hút thuốc lào, nói chuyện bâng quơ, cái không khí sinh động ngày trước đã không còn nữa.

Nhưng rồi người ta cũng dần quên lão Què, sinh hoạt nhà ga vẫn bình thường, ngày nào cũng những chuyến tàu Thống nhất vào, bốc xếp lãnh bốc hàng khỏi thuế, xích lô chở hàng đi giao, tối về lại tụ họp dưới mái che cùng nhả khói và kể chuyện đời, những mảnh đời lam lũ.



Alert webmaster - Báo webmaster bài viết vi phạm nội quy
 

 minh1212
 member

 REF: 652807
 04/07/2013

  profile - trang ca nhan  posts - bai da dang  email - goi thu  Thong bao cam nhan spam den webmaster  edit - sua bai, thay doi  edit - sua bai, thay doi post reply - goy y kien, dang bai
Chào PV, hình như truyện còn nữa ?

 

 phovang11
 member

 REF: 652880
 04/08/2013

  profile - trang ca nhan  posts - bai da dang  email - goi thu  Thong bao cam nhan spam den webmaster  edit - sua bai, thay doi  edit - sua bai, thay doi post reply - goy y kien, dang bai
Bẵng một năm qua, từ ngày lão Què mất tích, khi mà thật sự không còn ai nhớ tới lão nữa thì lão lại trở về, cũng đột ngột như lúc lão biến mất.
Tối hôm đó, khi mọi người đang chụm đống bên ống điếu nhả khói. Mặt sân ga vẫn còn loang loáng nước sau cơn mưa vừa dứt, thì một bóng người cà thọt lù lù đi tới.

- Ai giống lão Què quá vậy há ?

Mọi người cũng đang nhìn và ai cũng tự hỏi như vậy, không lẽ là lão ? Có nghe tăm hơi gì là lão còn hiện hữu trên cái trần gian hỗn độn nầy đâu nhỉ.
Ấy vậy mà lại đúng là lão Què thật. Lão xuất hiện giữa sự ngạc nhiên của mọi người, dường như cái số của lão hay gây ra những cái gì không giống ai hay sao đó.

Lão mập và trắng bạc ra, lại mặc một bộ bà ba xanh nhạt trông như mới ở bệnh viện ra vậy. Rồi mọi người xúm nhau tranh hỏi xem lão làm gì, ở đâu bấy lâu nay.

Lão cười khà khà tỉnh bơ :

- Tao đi nghỉ mát .

- Nghỉ mát, ở đâu ?

- Tao đi nghỉ mát có người nấu cơm ăn, ngủ có người gác, tắm có người múc nước.

- Xạo quá bố ơi ! Chắc ông bị xe tông nằm nhà thương mới ra thì nói cho rồi.

- Tao thèm xạo bây ha. Nằm nhà thương gì lâu dữ mậy, bây thấy tao có bị gì không à .

Nói rồi lão quơ tay múa chân, ra vẻ mạnh ù.

Nam xích lô gục gặt đầu :

- Ông đi lò hấp chứ gì, mà lò nào vậy, Chí Hòa hả ?

- Thằng nầy khá !

Lúc nầy, mọi người mới vỡ lẽ ra là lão ở tù về.
Mà tại sao lão lại ở tù, mọi người lại lao nhao hỏi.

- Ối, tụi bây biết cái câu bây giờ người ta hay nói là câu gì không ?

- Câu gì bố ?

- Lang thang thì chết đói...

Lại cũng Nam xích lô, anh ta bỏ dở ngang đó để cho mọi người đồng thanh tiếp ứng :

- Hay nói thì ở tù, lù đù đi kinh tế mới.

Thì ra lão bị vạ mồm vì cái tật hay nói của lão.

Lão Què trở về mái nhà xưa, cái xóm tí hon mái che lại sôi động mỗi buổi tối như trước kia. Những mẫu chuyện lão kể càng hay hơn trước, nhất là bây giờ có cả những câu chuyện thật trong tù.

- Nói thật với bây, không có nơi nào vui bằng trong tù .

- Bố nói chơi hoài, ở tù mà vui !

- Thật đấy, tuy mất tự do thật, nhưng mà không buồn đâu. Ai cũng vậy, khi mới bị bắt vào thì buồn mất ba ngày, vì lo con gái nhỏ ở nhà đói, lo con gái mẹ ở nhà theo thằng hàng xóm. Qua ba bữa thì xong, lo cho mấy cũng vậy thôi, gia nhập cuộc vui cho xong.

- Mà trong đó có gì vui hả bố ?

- Ý, nhiều trò lắm. Nhà tù là một xã hội thu nhỏ mà. Ở đó có đủ hạng người, ba vớ cũng có mà đàng hoàng, học thức cũng có, thầy chùa cũng có luôn.

- Thầy chùa cũng ở tù sao ?

- Thầy gì mà làm bậy cũng ở tù chớ.

- Rồi làm gì vui .

- Thì đánh cờ tướng, cả đánh bài cũng có nữa, rồi ca hát, kể chuyện tiếu lâm, chuyện đời, đủ kiểu, mà chuyện tù thì phong phú lắm, không tin tụi bây vào đó cho biết.

- Thôi thôi hổng ham đâu ông ơi .

Lão Què lại sáng sáng cà thọt dạo phố với chồng vé số trên tay. Buổi tối, cô bé An lại xới đĩa cơm thịt kho tàu hũ, dưa giá rồi lão lại vào sân ga làm cái máy quây phim, chiếu cho khán giả rạp "Mái che" thưởng thức.

Cuộc đời cứ thế trôi qua, nghèo hèn, nhưng khá êm đềm. Tết lại, những tràng pháo dài vẫn nổ ầm trời đất, vẫn áo đỏ quần xanh. Những chuyến xe ca vẫn chở khách hành hương du lịch Vũng Tàu, Miền Tây với những bà già và những cô gái trẻ chưng diện màu mè nhưng trong túi trống rỗng. Cũng chẳng ai buồn, ai cũng vậy cả mà, có gì phải buồn!

Vợ chồng thằng Hùng và con Nở đã có đứa con trai hai tuổi bụ bẫm, tối tối vẫn theo bố ra mái che nghe kể chuyện. Nam xích lô đã bị xích bởi một em đi hàng Nha Trang, trông cũng khá ra phết...

Chỉ có lão Què chẳng có gì thay đổi, lão sống bình thản với cái triết lý coi thường mọi sự của lão "Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy...".

Hằng ngày lão bình tâm dạo qua những con phố êm đềm, nhìn dòng xe đạp và xích lô cuồn cuộn trên đường phố lớn, lão lại cười buồn một mình.
Khi những cơn mưa đầu mùa đổ xuống thành phố vào tháng Sáu thì cũng là lúc lão Què lại mất tích, đúng hai năm sau lần mất tích trước, nghĩa là một năm sau khi lão trở về.

Lần nầy, cũng đột ngột như lần trước. Mọi người lại đoán già đoán non, chắc lão lại vào khám nữa rồi chứ gì. Đã một lần rồi không tởn, đúng là cái tật lớn hơn cái tuổi mà.

Nhưng có người lại nói lão trúng số, vì lô số lão bán hôm đó trúng giải đặc biệt, có thể lão bán không hết vé, bị ôm lại và trúng số lớn rồi. Nhưng nếu trúng số thì sao lão lại biến mất vậy nhỉ ? Hay là lão có tiền nên vượt biên rồi ?

Rồi cũng như lần trước, không ai biết chuyện gì xảy ra cho lão cả.
Gần một năm sau, lão Què lại xuất hiện. Lần nầy khác xa lần trước. Cái chân lão dường như bớt què hơn, ăn mặc lịch sự, lại ngồi trên chiếc Cup màu đỏ láng coóng, chỉ còn thiếu cái cà-vạt nữa thôi là lão thành một ông chủ hãng thực sự rồi.

Trong lúc mọi người còn trố mắt kinh ngạc thì lão đã móc ra xấp bạc dày, kêu thằng Hùng đi mua mồi và bia về đãi anh em mừng ngày hội ngộ.

Ôi thôi! Đêm hôm đó còn vui hơn Tết nữa, bất cứ ai cũng có thể tham gia dù quen hay lạ, mồi màn dư thừa, bia bọt chảy như suối. Ai cũng ca tụng lão như thiên thần giáng thế, giữa cái buổi gạo châu củi quế nầy dễ gì mà có được bữa no say miễn phí như vậy. Rượu vào lời ra, người ta nói đủ thứ chuyện, từ chuyện Nam xích lô mới sáng sớm được người ta kêu chở bao thịt đi giao ở một địa chỉ không hiện hữu. Không biết làm sao, anh ta đành phải hí hửng mang về nhà luôn, mở ra thì cả nhà té ngửa, xỉu lịch bịch: thịt người, còn cả tay chân chặt khúc... Cho tới chuyện bà Tám già lên xe hoa khi tuổi ngoài sáu mươi...
Mọi câu chuyện bỗng tắt ngúm khi thằng Hùng móm hỏi lão Què, câu hỏi mà ai cũng chờ đợi nhưng chưa ai dám lên tiếng :

- Bố à, mà sao tự nhiên bố lại xịn như vậy hở bố ?

- Ừ, trời kêu ai nấy dạ mà .

Lão không trả lời rõ ràng vào câu hỏi của thằng Hùng mà chỉ nói như vậy. Tuy nhiên, mọi người ai cũng nhìn lão thán phục và mong ước gì mình cũng được cải lốt như lão.

Con Oánh"càng" mần ăn ở đâu tối giờ không biết, giờ nầy khá khuya mới mò về, thấy đám đông rôm rả thì tấp vào. Nó nhìn lão ngờ ngợ rồi hét lên :

- Trời, bố ...

Rồi nó nhào vào ôm cổ lão như con gái mừng bố thật sự. Dù sao lão Què cũng cảm động . Cái con nhỏ không máu mủ gì với mình nhưng lại có tình người, chẳng bù với...

Trong lúc mọi người thán phục, mơ ước được như lão thì lão lại trầm tư, tâm trí lão như đi lùi về khoảng thời gian gần một năm trước.


(còn tiếp)


 

 phovang11
 member

 REF: 653491
 04/20/2013

  profile - trang ca nhan  posts - bai da dang  email - goi thu  Thong bao cam nhan spam den webmaster  edit - sua bai, thay doi  edit - sua bai, thay doi post reply - goy y kien, dang bai
LÃO QUÈ.
( ̣tiếp theo )

Buổi chiều hôm đó, lão thấy lòng trống trải như thiếu vắng điều gì. Đúng rồi ! Hôm nay là ngày sinh nhật con Vy, con gái của lão. Cũng vào cái ngày nầy, hơn mười năm trước lão đã phải xách gói ra đi vì không thể nào chịu nổi những lời cay độc hàng ngày của vợ lão :

- Thứ ăn hại, tối ngày chỉ sách với vở, không té ra được đồng bạc đong gạo.

- Thời buổi nầy, người ta chạy đôn chạy đáo còn không sống nổi, giờ đợi ngồi mát ăn bát vàng chắc.

Lão nghe tim thắt lại, nhưng lão câm nín. Lão biết phận mình . Cái thời của lão đã qua rồi. Cái thời là giáo sư văn chương đứng trên bục giảng nhìn xuống những cô nữ sinh thướt tha " Áo lụa Hà Đông" đã qua rồi. Bây giờ, lão chỉ là một tên ăn bám vào vợ. Vợ lão, khá lanh lợi, hàng ngày chạy đủ loại hàng từ đồng hồ, bút máy cho tới cái đài ...xun xoe khi thì với những anh bộ đội, khi thì anh tài xế xe đò, để hàng ngày mang tiền về nuôi lão. Rồi việc phải tới cũng tới : vợ Lão đã công khai đi với trai trước mặt Lão.

Chiều hôm ấy, sau khi chúc sinh nhật cho con và con bé đã ngủ trưa. Lão lẳng lặng ôm mớ quần áo cũ ra đi. Lão muốn đi xa, từ bỏ cái tỉnh lỵ nhỏ bé nầy để không còn gặp ai nữa. Lão sẽ cố tâm làm gì đó sống qua ngày và nếu trời cho lão có cơ hội khá lên, thì ngày đó lão sẽ về thăm con.

Rồi lão lên thành phố và trôi giạt về cái sân ga nầy cho đến hôm nay. Ngày ngày bán vé số, tối về nằm sân ga, lão đã lấy lại được thăng bằng cuộc sống. Mỗi ngày lão cũng để dành được chút ít, cũng chẳng nhiều nhõi gì. Trưa hôm nay, sau khi ăn cơm bình dân ở cái quán một đồng- cứ một đồng một bát cơm hay một bát canh, hay bát thức ăn, ai muốn ăn bao nhiêu thì tính bấy nhiêu- quán đã vắng khách, lão ngồi lề đường uống trà đá. Nắng trưa gay gắt, con đường Nguyễn Thiện Thuật, im ắng, thỉnh thoảng tiếng xích lô máy vọng tới từ xa nghe bình bịch.

Lão chỉ còn lô số cuối cùng , số không đẹp nên không ai chịu mua, chắc là phải gởi lại thôi, lão chép miệng. Rồi lão lại lê bước ra đường. Có tiếng xe ben chạy rầm rầm từ phía đường Điện Biên Phủ, tới góc đường Nguyễn Thiện Thuật chiếc xe ben đột ngột quẹo vào, bên cạnh là một một cô gái trẻ đang chạy xe đạp, tiếng xe thắng ken két nghe lạnh người. Lão Què thấy rõ và lão la lên một tiếng " Trời ơi " thì cũng là lúc chiếc xe đạp bị ép nhưng cô gái đã lạng theo khúc cua và ngã nhào xuống đường ngay bên cạnh lão Què. Lão vội vàng khom người kéo mạnh cô gái lên lề vừa kịp lúc bánh xe sau của chiếc xe ben trờ tới. Chỉ chậm chút xíu thì cô gái có thể chết hoặc ít nhất cũng bị cán nát chân.
Chiếc xe ben cũng dừng lại, tài xế bước xuống sừng sộ :

- Chạy xe vậy hả, muốn chết sao ?"

Lão què vừa đỡ cô gái dậy, cũng may cô chỉ bị trầy trụa sơ, nhưng cô thật sự sợ hãi, mặt mày xanh mét. Lão thật sự bất bình với người tài xế trẻ nầy :

- Nầy, anh mới chạy xe ẩu nhé. Anh là xe lớn, trong phố lại chạy nhanh, quẹo cua không có xi-nhan gì cả lại không trông trước sau. Thế mà còn la lối ai thế, tôi thấy rõ cả à.

Người dân cũng bắt đầu đổ ra xem. Anh tài xế vội leo lên xe chạy mất, không cả một lời xin lỗi.

- Người ở đâu mà không biết lý lẽ là gì thế nhỉ ! Nó vội chạy chứ không thì cho nó no đòn cho biết lễ độ. -- Một tay thanh niên có vẻ anh chị lên tiếng.

- Cháu có sao không ? Vào đây ngồi nghỉ chút đã cháu.

Cô gái vừa thoát chết trong nháy mắt, xoa xoa đầu gối rướm máu. Khuôn mặt trắng trẻo dễ thương của cô gái giờ đây đã bị bầm xanh ở một bên gò má.
- Dầu đây, xức đỡ đi cháu.

Lão đưa chai dầu gió cho cô gái. Cô gái cầm chai dầu, nhìn lão ra vẻ cảm động.

- Bác ở đây à ? Cô gái hỏi sau khi đã tỉnh hồn.

- Không, bác bán vé số dạo, tình cờ bác vừa đi tới rồi thấy cháu bị té thôi.

- Vậy à, cháu cám ơn bác nhiều lắm.

Cô gái vừa nói vừa xuýt xoa thoa dầu vào đầu gối rướm máu.

- Mà bác ở đâu, bác bán vé số hết chưa vậy bác ?

Lão Què không trả lời nửa trước câu hỏi của cô gái mà chỉ trả lời phần sau :

- À, bác bán cũng gần hết , chỉ còn một lô à
.
- Vậy, để con mua cho bác nha.

- Tùy cháu, muốn mua thì mua, nếu cháu không muốn thì thôi không sao cháu à.

Cô gái thấy lão nói chuyện từ tốn, vẻ mặt lại hiền lành, tốt bụng.

- Con mua mà, biết đâu hôm nay là ngày may mắn của con, như con vừa thoát nạn vậy.
Lão Què đưa cho cô gái lô vé mười tấm số giống nhau.

- Con lấy hết lô nầy, bác cầm tiền nè.

Xong rồi cô gái lại nói :

- Nhưng mà hôm nay bác đã cứu con thoát chết, con xin biếu lại cho bác , kể như con muốn chia xẻ lại chút gì đó với bác, bác nhé.

Giọng cô gái thiết tha quá, lão không thể từ chối được.

- Thôi thì bác cám ơn cháu.

- Hôm nay thật là một ngày đặc biệt của con, con cám ơn bác thật nhiều và chúc bác luôn được nhiều sức khỏe.

Lão Què bỗng cảm thấy như cô gái nầy có một vẻ thân quen, một sợi dây tình cảm vô hình làm lão bồn chồn, lão nhìn cô rồi vội hỏi :

- Cháu, cháu tên gì vậy cháu ?

- Con tên Diễm bác à !

Lão Què lắc đầu, thất vọng. Lão đã có một giây ngắn ngủi để hy vọng. Dù sao lão cũng cảm thấy có gì đó thật gần gũi với cô gái.
Rồi cô gái lên xe đi, để lại lão Què vui buồn lẫn lộn. Vui vì lão vừa cứu được một mạng người, mà buồn vì cô gái nầy làm lão nhớ tới con gái lão ở quê. Con gái của lão giờ chắc cũng lớn trạc cô nầy, bao nhiêu năm không gặp, không biết giờ nó ra sao ?

Bán hết vé sớm, lão Què đi vòng qua đường Nguyễn Thượng Hiền để về sân ga. Đã gần ba giờ chiều mà nắng vẫn gay gắt, hôm nay chưa thấy trời chuyển mưa, thôi ghé vào làm ly đá chanh cho thông cổ, giải nhiệt.

Quán cóc Sài Gòn có mặt mọi nơi, những quán nước, café, cho tới quán cơm, bún, bánh, hàng rong... không thiếu thứ gì, có mặt ở mọi ngõ ngách của thành phố. Không phải chỉ có ở những khu bình dân mới có quán cóc mà ở ngay trung tâm thành phố, những nơi được xem là lịch sự nhất, quán cóc vẫn hiện diện. Trên vỉa hè những con đường chung quanh chợ Bến Thành như Lê Thánh Tôn, Trương Định, Nguyễn An Ninh hoặc ngay cả Lê Lợi, sáng sáng người ta vẫn có thể ăn bún từ quán cóc lề đường. Cái văn hóa quán cóc không biết có từ bao giờ nhưng cũng thật thú vị. Ngon, bổ, rẻ là tiêu chuẩn của quán cóc để thu hút mọi người. Ngồi nhâm nhi ly cà-phê trên lề đường, ngắm nhìn dòng người, xe cộ qua lại ...trong một buổi chiều tà cũng thú vị lắm chứ.
Lão Què uống được nửa ly nước chanh thì trời bắt đầu chuyển mưa. Mây đen kéo tới thật nhanh, xám nghịt cả khung trời. Những giọt mưa lớn lộp bộp trên mái tôn, xe cộ vội vã chạy, thành phố chìm vào màu trắng đục. Đã ba giờ chiều, chương trình sổ xố thành phố đã bắt đầu vẳng lên từ chiếc radio nhỏ của chị chủ quán. Bình thường lão Què không chú ý tới kết quả xổ số, chỉ đợi tối lại thì lão tới nhận tờ giấy kết quả để cho khách hàng dò. Từ ngày lão đi bán đến giờ, chưa bao giờ có lô nào trúng lớn trong những vé số lão bán. Giải tư, năm thì có hoặc cùng lắm là an ủi, còn giải đặc biệt tức là độc đắc thì chưa bao giờ. Chẳng thấy ai trúng số nhưng người ta vẫn mua, hàng ngày trăm tờ vé số lão vẫn bán sạch. Con người sống phải có hy vọng, bỏ một đồng ra mua một hy vọng cũng không mắc mỏ gì, ai cũng nghĩ thế nên ai cũng mua vé số là vậy.

Lão lại nghĩ đến cô bé lúc nãy, cô bé cũng dễ thương, tuy trẻ nhưng cũng có vẻ chững chạc lắm. À, mấy tấm vé số cô bé tặng lại cho lão, thật cũng tội nghiệp. Lão giống như như một người mua số bắt đắc dĩ, nên cũng không mặn mà gì dò số. Những người mua số vì bắt đắc dĩ thường ít khi dò lắm, vì quên cũng có mà vì ngại cũng có, vì khi mượn tờ dò kết quả của người bán, dò xong thì người bán lại mời, đôi khi kèo nài mua tiếp, chẳng lẽ lại không mua giúp. Mà nếu mua nữa thì vòng xoay cứ thế lại tiếp tục.

Lão cầm mấy tấm vé số mà lắc đầu, số như thế nầy nên chúng mới tấn cho mình lãnh, số gì mà chèn ba con số không ở giữa thì ai mà thèm mua chứ, chỉ tội nghiệp cho cô bé.

Lô xổ cuối cùng- lô đặc biệt- được xướng lên mà lão cũng không thực sự chú ý lắm cho đến khi lão nghe xướng ba con số không liên tiếp. Chuyện gì vậy ? Lão tự nhiên thấy hồi hộp, hai con số nữa được đọc tiếp, trời ơi !

Lão Què như không tin vào mình nữa, dường như lão đang mất thăng bằng. Nhà cửa, người ta, cả cái trụ điện dường như cũng đang quay cuồng trước mặt lão. Mồ hôi lão tuôn ra dù trời lành lạnh sau cơn mưa,

- Nầy, bác, bác có sao không vậy ? Có phải bác trúng gió không ?

Lão Què ngơ ngác :

- Cô, cô nói sao ? À, à tôi không sao đâu.

- Đây này, bác uống miếng trà gừng nóng cho tỉnh, trông bác mệt lắm đó !

Trong tình cảnh nghèo thì con người vẫn còn tử tế với nhau.


 

 phovang11
 member

 REF: 653740
 04/24/2013

  profile - trang ca nhan  posts - bai da dang  email - goi thu  Thong bao cam nhan spam den webmaster  edit - sua bai, thay doi  edit - sua bai, thay doi post reply - goy y kien, dang bai
Lão Què không còn dám về nhà ga nữa, cũng không dám gặp bất cứ ai quen. Lão biết rằng, tứ cố vô thân như lão mà đột nhiên thành triệu phú thì sẽ có nhiều chuyện không hay. Có người cũng vì trúng số mà mất cả mạng khi chưa kịp hưởng gì, thôi, cẩn thận vẫn hơn.

Thế là lão lặn luôn từ đó. Thật ra lão vẫn ở trong thành phố nhưng lão đã lột xác, biến đổi hoàn toàn, từ con người cho đến nơi ăn chốn ở.

Một tuần sau, sau khi đã thuê một chỗ ở mới yên ổn đâu ra đó, lão tìm về quê thăm con. Lão hồi hộp lắm. Lão hình dung ra con gái của mình lớn và xinh đẹp như thế nào, con bé có nét giống cha nhiều, nhất là cái miệng cười có duyên y như lão, ai cũng bảo vậy. Nhưng lão cũng thầm lo lo, không biết nó có chịu nhận mình không, có thương mình không khi mình đã bỏ nó ra đi từ lúc nó còn nhỏ. Phải nói sao cho nó hiểu đây ! Lòng lão khá ngổn ngang trăm bề. Thôi, cứ gặp nó rồi hãy tính, mình sẽ đem nó về thành phố cho nó ăn học, nghĩ tới đó lòng lão thấy vui vui.
Lão xuống xe đò rồi lên một chiếc xe đạp ôm đi về Cầu Quay. Lão xuống bên nầy cầu rồi đi bộ qua . Lão muốn có chút thì giờ nhìn lại cảnh cũ đã mười năm rồi lão cách xa. Con sông xưa vẫn vậy, những con thuyền nhỏ chở đầy ắp lu hũ cá mắm chen chúc bên bờ trái. Cái căn- tin bên bờ phải vẫn thưa thớt khách như ngày nào.

Lão rẽ trái đường Phan Thanh Giản để vào đường Học Lạc, con đường nhà lão.
Tới gần nhà, lão càng hồi hộp, nhà bà Giáo tạp hóa, nhà ông Chín ba gác, nhà lão đây rồi. Lão đứng lặng nhìn căn nhà đã từng một thời là tổ ấm của lão. Căn nhà đã đổi khác. Cánh cổng nhỏ đã đổi sang màu vàng, không còn màu xanh lá cây ưa thích của lão trước kia. Lão run run đưa tay lên nhấn chuông. Không thấy động tịnh gì sau cánh cửa đóng, lão lại nhấn chuông nữa...cũng không thấy gì. Lão khá thất vọng, hay là không có ai ở nhà, con lão chắc đi chơi đâu rồi. Lão đã lựa ngày chúa nhật để đi, vì nếu con lão có đi học thì hôm nay cũng ở nhà.

Thôi, đành phải chờ tối rồi hãy tới nữa, lão nghĩ bụng như vậy. Nhà bên cạnh một người bước ra. Một người phụ nữ trẻ nhìn ông chăm chăm :

- Trời ! Thầy, thầy mới về à ?

Lão Què nhìn kỹ, à, thì ra Lài đây mà, cô học trò cũ của mình khi xưa đây, bây giờ đã ra dáng phụ nữ .

- Lài hả, khác quá thầy nhìn không ra. Thầy mới về, lại thăm con Vy, mà chắc nó đi vắng rồi.

Lài nhìn sững lão rồi nói :

- Thầy vào nghỉ chút uống nước đã rồi con nói chuyện cho thầy nghe.

Lão phân vân không biết không biết Lài muốn nói chuyện gì nhưng cũng theo Lài vào nhà.

Đợi lão uống ly nước chanh rồi Lài mới nói :

- Thầy không biết gì hết à ?

- Bộ có chuyện gì sao ? Vy nó có gì không ?

Lão giật mình hỏi Lài .

- Không, không có gì đâu thầy nhưng nhà nầy cô đã bán lâu rồi.

- Trời...

Lão Què kêu lên thảng thốt. Căn nhà với bao công sức chắt chiu của lão thời còn đi dạy...

- Rồi mẹ con nó đi đâu ?

- Sau khi thầy đi rồi thì cô, cô ...có người khác.

Tuy vẫn chờ đợi điều nầy đã lâu nhưng lão vẫn cảm thấy nhoi nhói nơi trái tim.

- Rồi sau đó, cô bán nhà, con chỉ nghe nói là cô về thành phố nhưng không rõ địa chỉ.

Lão Què ngồi ngơ ngẩn, thời gian qua, bao đổi thay cuộc đời. Thành phố, cái thành phố mấy triệu người làm sao gặp lại con đây. Họ hàng bên vợ cũng chẳng còn ai để mà hỏi thăm, đúng rồi chỉ còn dì Ba của con Vy, là chị họ của mẹ nó, may ra !

Nhưng rồi lão Què đã thật sự thất vọng khi người bà con duy nhất còn lại cũng không biết tin tức gì của hai mẹ con Vy. Lão đành trở về thành phố, lòng nặng trĩu ưu tư làm sao để gặp lại con.
Lão đã tìm mọi cách, từ đăng báo đến hỏi thăm tất cả những chỗ có thể hỏi được nhưng vẫn không có tin tức gì của con gái.

Cả cô gái bị nạn rồi mua vé số tặng lão, lão cũng muốn gặp để đền ơn mà cũng không làm sao gặp được, dù là lão cũng đã đăng báo tìm cô.

Hôm nay buồn, lão bỗng nhớ lại những ngày ở sân ga nên lão tới thăm người xưa, cảnh cũ mà lão vẫn luôn thấy thân thương trong lòng.

Mọi người chỉ thấy lão bỗng thay hình đổi dạng, giàu có, chứ nào hay nào biết lão đang có tâm sự buồn. Giàu mà chi, sang mà chi khi vợ con không còn ?

Rồi Lão Què lại quay trở về với cái nghề bán vé số, cái nghề phải nói là có duyên với lão như một người tình muộn màng nhưng chung thủy. Nhưng lần này , lão không phải đi bán dạo nữa mà lão đã trở thành đại lý vé số, nói cách khác, lão đã thành một tay trùm vé số nhờ lão có vốn liếng. Lão thường hay mua lại vé số trúng, nhất là những lô đặc biệt và sau đó bán lại cho những người sẵn sàng mua với giá trị cao hơn lô trúng. Lão lãi đơn, lãi kép...cho nên chẳng mấy chốc lão trở thành một đại gia, danh tiếng lão nổi như cồn trong cái đám xí lố cố sân ga.

Nhưng trong lòng lão luôn chôn kín nỗi buồn mất con, đứa con gái yêu quí duy nhất trên đời của lão.

Khi mà có tiền thì lại có nhiều bạn bè, rồi rủ rê nhau đủ trò, đủ chuyện. Nhiều người rủ lão đi chơi bời, đi uống bia ôm... nhưng lão không đi. Thật ra, lão không quen nên cảm thấy ngại ngần chứ mới ở tuổi sáu mươi ngoài như lão thì đâu đã già giõi gì, lại một thân một mình nữa. Bây giờ nhìn lão còn trẻ chán, còn cưới vợ dư sức như lời những người quen của lão.

Nhưng rồi dần dần lão cũng không tránh khỏi con đường trần ai như bao người phàm mắt thịt khác. Cũng không trách gì lão được, không vợ không con, đời lão còn gì nữa đâu.

Trời vừa sụp tối, lão vừa sửa đóng cửa hàng thì thằng Can xuất hiện :

- Chú Năm, đi chơi với con chỗ nầy chú Năm, bảo đảm chú không vui không ăn tiền à .

- Đi hoài mầy, cũng nhiêu đó chứ gì lạ đâu.

- Không phải, chỗ nầy mới chú ơi, có đờn ca tài tử nữa, có mấy em xinh lắm, đi chú, ở nhà nằm chèo queo làm gì !

Cái thằng Can nầy đã đánh trúng tâm lý của lão. Con người sợ nhất là sự cô đơn. So với lúc nằm sân ga, thì giờ tuy lão giàu sang nhưng lão lại cô độc hơn nhiều, cái gì cũng có bề mặt, bề trái mà. Nhiều người đàn bà cũng đã nhắm nhía lão vì thấy lão đàng hoàng, mà nhất là vì lão có tiền. Phần lão, không phải là lão không muốn có một người bạn để hủ hỉ cho đỡ quạnh hiu trong lúc tuổi già bóng xế. Nhưng lão không muốn là vì lão nhớ con, lão chỉ mong mỏi gặp lại con gái. Mỗi khuya, khi màn đêm buông xuống, lão lại thấy nhớ, thương con vô bờ bến, mong ước duy nhất của lão bây giờ là gặp lại con gái.

- Ừ, đi thì đi ! Mầy cứ dụ dỗ tao hoài nghe mầy .

Rồi lão cũng xuôi theo thằng Can khi nhớ tới buổi tối cô quạnh trong bốn bức tường. " Biết đâu mình ra đường nhiều khi còn có cơ hội dò tin của con gái hơn.", lão tự biện minh cho mình như vậy dù trong lòng vẫn áy náy, nhưng lão biết làm gì hơn nữa.

Quán " Vườn Trăng" hôm nay kha khá khách. Lúc này đã bắt đầu phong trào quán nhậu có kèm theo các "ca sĩ vườn" giúp vui. Tùy theo quán. Có quán thì một anh cầm đàn guitar đệm cho cho một hai cô hát tân nhạc. Bàn nào thực khách yêu cầu thì lại giúp vui bàn đó và khách sẽ cho tiền "bo". Cũng có quán có người đàn và người ca cả tân và cổ nhạc. Nhiều khi khách nhậu cũng hứng chí ca luôn. Một hai xị vô rồi ca lẻ, ca chẵn (không phải ca "sỉ") gì cũng xôm cả.

Thằng Can cùng ông Năm bước vào, lúc này người ta gọi lão là anh Năm, cái tên Lão Què chỉ còn trong tâm trí của những cư dân nhà ga thôi. Chị Liên chủ quán bước ra đon đả :

- Can lại chơi há em, còn đây phải là ... ?

- Chú Năm mà tui hay nói chuyện với chị đó !

- Em chào anh Năm, em nghe Can nói về anh hoài, nay mới được gặp anh đó.

- Chào cô, thằng Can nói xấu tui phải không cô ?

- Đâu có, Can nói tốt anh không đó. Hai anh em vô ngồi bàn nầy đi. Lát em kêu mấy đứa lại ca anh em nghe cho vui nha.

Hai người ngồi lai rai bia hơi với khô mực nướng thơm phức trong lúc chờ món bò nướng lá lốt.
- Mầy bữa nay sao Can, làm ăn được không ?

- Dân chợ trời mà chú, bữa đực bữa cái. Bữa nay tui cũng hên, vớ được cái đồng hồ ô-tô-ma-lắc cũng được. Để tui đãi chú bữa nay, chú trả hoài để tui một bữa nghen. Mà chú, ở đây có con bé dễ thương ghê chú, mà ca hay nữa. Lát nữa tui kêu nó lại ca chú nghe, chú mà hổng phê thì thôi đó.

- Nó ca hay không hổng biết chứ tao thấy mầy ca coi bộ hay đó nghe.

- Thiệt mà chú, lát nó ca nhạc chú nghe mà không ghiền thì thôi à.

Trời đêm nay thoáng mát. Từng cơn gió nhẹ thổi lồng vào trong quán như để giải nhiệt cho thực khách. Ngoài đường cũng đã hơi vắng người.

- Giờ nầy mà có thấy ai hát ca gì đâu mầy.

- Chắc là kẹt chỗ nào đó. Người ta phải đi nhiều chỗ kiếm ăn mà chú. Nhưng mà lát thế nào cũng tới đây à.

- Đó, tới rồi đó . Thấy chưa, tui nói rồi mà.

Một người đàn ông cỡ năm mươi vai mang cây đàn và cô gái trẻ đi vào quán.

Lập tức đã có bàn mời ngay lại, sau vài câu chào hỏi là thiếng đàn tiếng hát cất lên. Tuy ngồi hơi xa nhưng quả thật, ông Năm nghe giọng hát cô gái trẻ thật hay. Giọng cô không quá cao nhưng ấm áp quyến rũ, ru hồn người nghe.

Can lên tiếng :

- Chú nghe cô đó ca được chứ ?

- Ừ, hay lắm. Ca dạo mà giọng không thua gì ca sĩ thiệt !

- Thấy chưa, tui nói có sai đâu. Mà con nhỏ nầy hát hay còn dễ thương nữa nhen chú. Nó không thiệt đẹp nhưng nhìn bắt mắt lắm, mà nói năng nhỏ nhẹ nữa.

- Tao coi bộ mầy mết nó rồi đó à Can.

Can cười cười, gãi đầu :

- Chú hay thiệt à ! Tại tui thấy cổ dễ thương quá chú ơi.

Ông Năm cũng cười, cười thông cảm cho tuổi trẻ. Ngày xưa, ông cũng vậy thôi, thời trai trẻ, ông cũng từng thầm thương trộm nhớ bao người...

Can đi lại phía "đoàn" hát dạo và nói nhỏ gì đó rồi quay lại bàn. Vài phút sau đã thấy "đoàn" kéo tới ngay bàn ông Năm. Ông Năm nhìn cô gái trẻ đi, chợt có cảm giác cô nầy có vẻ quen quen. Ông cố gắng moi trong tiềm thức của ông xem đã gặp cô ở đâu . Ông vận tất cả bao nhiêu thành công lực trong người để tìm...mồ hôi nhỏ giọt...rồi bỗng dưng ông à lên một tiếng như cái van hơi được xì ra. Ông nhớ rồi. Đây chính là cô gái bị nạn, rồi mua vé số tặng ông. Đúng là cô rồi. Cũng mái tóc nầy, dáng dấp nầy. Ông cảm thấy vui mừng trong lòng đã gặp lại cô, vì đây cũng là một tâm nguyện của ông. Nhưng ông biết rằng cô không nhận ra ông vì thấy cô không có phản ứng gì cả khi thấy ông. Mà nhận ra sao được, khi mà bây giờ ông đã thay đổi rất nhiều so với lúc gặp cô. Ông thì hầu như chắc chắn đến 90 % là cô rồi, nhưng dù sao thì ông vẫn chờ một sự xác nhận cuối cùng.

Cô gái hỏi ông và Can :

- Bác và anh có muốn yêu cầu bài gì không ạ ?

Can lẹ làng :

- Chú muốn nghe bài gì nói đi chú .

Tự nhiên khi thấy cô gái nầy là ông Năm lại nhớ đến con gái. Không biết mẹ con nó lưu lạc ra sao trong thời buổi khó khăn nầy, lòng ông quặn thắt. Ông muốn nghe một bài hát về lòng cha thương nhớ con, nhưng lại không có bài nào như vậy cả, mà chỉ có những bài về lòng mẹ.

- Nầy cháu, cháu ca bài "Lòng mẹ " được không ?

Ông muốn mượn bài hát nầy để nhớ về con, nhắn nhủ với con gái rằng ông cũng thương con như một người mẹ thương con vậy.

Gương mặt cô gái bỗng nhiên chùng xuống, nét buồn lộ rõ trên khuôn mặt duyên dáng của cô.
Ông Năm và cả Can cũng nhận thấy.

- Cháu, nếu cháu không muốn thì cháu ca bài gì cũng được cháu à.

Cô gái ngước lên, khuôn mặt cô đã dịu lại. Cô đã kềm nén qua cơn cảm xúc.

- Không sao bác, cháu hát bài nầy được.

" ...Lòng mẹ bao la như biển Thái bình, rạt rào..."
.....
Giọng cô nức nở như nhập vào bài hát, làm cho người nghe cũng rung động theo.
Cô vừa dứt lời thì nước mắt cũng đã trào ra. Cô gái đã không thể kiềm nén xúc cảm được nữa.
Ông Năm thấy ái ngại cho cô, ông cất tiếng :

- Cháu, phải cháu có chuyện gì buồn không ?

- Dạ phải. Cháu xin lỗi bác và anh, vì mẹ cháu đang bệnh nặng nên cháu xúc động.

- Vậy à. Bác phải xin lỗi cháu thì đúng hơn. Mà phải cháu tên Diễm không ?

Cô gái mở to mắt ngạc nhiên :

- Sao bác biết tên cháu ? Ở đây có ai biết tên cháu vậy đâu ?

- Có phải năm trước cháu sém bị xe đụng không ?

Cô gái nhìn sững ông rồi la lên:

- Trời, có phải bác là người đã cứu cháu đó không ?

- Đúng là bác đó. Bây giờ khuya rồi, khách cũng không còn. Cháu và anh đây ngồi nghỉ, ăn khuya với tôi luôn nghe.

Thật là Can cũng không thể nào ngờ rằng ông Năm và cô ca sĩ hát dạo nầy đã gặp nhau rồi, mà lại gặp nhau trong hoàn cảnh đặc biệt nữa.

Câu chuyện trở nên thân mật hơn. Ông Năm rất vui vì đã gặp được người muốn gặp. Tuy ông chưa nói ra, nhưng chắc chắn là ông sẽ giúp cô, hay gọi là đền ơn cô cũng không sai, một cách xứng đáng. Can thì vui vì đã có dịp gần gũi nói chuyện nhiều với cô. Cả Diễm cũng vui vì đã gặp lại người cứu mình lúc trước.

Mọi người nói chuyện vui vẻ, rồi dần câu chuyện lại xoay về thời điểm mấu chốt là ngày cô gái bị nạn.

- Bác khác trước quá nên con không nhận ra. Thật là con biết ơn bác lắm. Nếu không có bác lúc đó thì chắc con đâu còn ngồi đây nữa.

Mà bác biết không. Hôm đó cũng thật là một ngày đặc biệt. Ngay ngày sinh nhật của con đó.
Ông Năm bỗng nghe hồi hộp. Ngày đó cũng là ngày sinh nhật con gái của ông mà .

- Nầy cháu, quê cháu ở đâu vậy cháu ?

- Dạ cháu quê ở Mỹ Tho đó bác.

Ông Năm nhìn sững cô gái. Đúng rồi ! Nó chứ không ai khác được, nhưng sao nó lại tên Diễm ? Mồ hôi ông đổ ra, ông Năm nói không ra hơi như bị trúng gió .
- Nhà cháu ở đường Học...Lạc phải không ?

Giờ thì đến lượt cô gái hoảng hồn, nhìn sững ông :

- Trời ơi, sao bác biết vậy ?

- Cháu có thể vén tóc mai bên trái ra không ?

Cô gái đã run rẩy thật sự. Mọi việc đến quá nhanh, cô không hiểu gì hết. Tại sao ông lại kêu cô vén tóc mai bên trái là nơi cô có một cái bớt nhỏ màu đen mà cô để tóc che khuất.

- Sao, sao vậy bác ?

- Cháu cứ làm đi . Giọng ông đã bình tĩnh hơn.

Diễm hơi chần chừ rồi cũng vén tóc ra. Mọi người đều nhìn thấy một cái bớt đen nhỏ sau làn tóc che khuất. Ông Năm tay chân run lẩy bẩy, ông chụp lấy tay Diễm, thì thào.

- Trời ơi. Tôi đã gặp con tôi rồi.

Mọi người nhìn ông Năm và Diễm, hai người trong cuộc mà chẳng ai hiểu gì cả. Chỉ có Can, vì đã có lúc nghe ông Năm tâm sự về đứa con gái nên lờ mờ hiểu ra câu chuyện.

Diễm thì sau phút sững sờ ban đầu, giờ cô đã tỉnh táo ra và hồi tưởng lại về thời ấu thơ, về người cha đã chiều chiều dẫn cô đi dọc theo bờ sông Tiền hóng gió. Đúng rồi cha mình có cái chân đi không bình thường, mình nhớ như vậy. Cô nhìn ông Năm như để tìm lại dấu vết người cha thân yêu của mình.

- Con, con tên là Vy mà, sao lại đổi là Diễm.

Vy òa khóc. Đúng rồi, cái tên tưởng đã chôn chặt trong tiềm thức bây giờ lại được nhắc ra để khơi lại ký ức ngày xưa, cái thời tuổi trẻ êm đềm bên bờ Tiền Giang hiền hậu. Người mà biết tên này thì chỉ là cha mẹ nàng chứ không còn ai khác hơn được nữa. Nàng ôm chầm người cha mà nàng thương nhớ và lại chính là người đàn ông hiền hòa đã cứu nàng năm trước.

- Mẹ con bệnh sao vậy ?

Ông Năm chợt hỏi con.

- Mẹ bệnh nặng lắm. Nằm bệnh viện, con không có tiền nên phải đi làm kiếm tiền lo cho mẹ.
Ông Năm cảm thấy xót xa. Giờ đây, có nhiều người nên ông không thể hỏi con gái cặn kẽ hơn dù là ông rất muốn biết tình trạng vợ ông như thế nào, có người đàn ông nào lo không. Nhưng rồi ông không thể không lên tiếng :

- Không có ai lo cho mẹ con nữa à ?

- Dạ không.

Gió đã nổi lên. Cơn mưa từ đâu kéo tới bất chợt. Một tiếng sét nổ long trời, đèn đuốc tắt ngúm, chỉ còn một màn đen bao phủ cùng tiếng mưa rơi.
Những giọt mưa xối xả trút xuống đất như để gột rửa bao nỗi đau thương trần thế.
Một ánh chớp lóe lên, chỉ còn hình ảnh bốn con người co ro trong bóng đêm chập chùng.



 
  góp ý kiến

 
   

  Kí hiệu: : trang cá nhân :chủ để đã đăng  : gởi thư  : thay đổi bài  :ý kiến

 
 

 


Nhà | Ghi danh Thành Viên | Thơ | Hình ảnh | Danh Sách | Tìm | Diễn đàn | Liên lạc | Điều lệ | Music | Link | Advertise

Copyright © 2024 Vietnam Single & Tim ban bon phuong All rights reserved.
Hoc Tieng Anh - Submit Website Today - Ecard Thiep - Hot Deal Network